Cái Kiềng Vàng

Ngục Thu Yên

   Tôi ngồi bên giường bà Dung và lắng nghe bà kể chuyện:
 
  "Sau mười năm tù, bố tôi vượt ngục và trốn về Hà-Nội. Ông nhờ người liên-lạc với vợ. Được tin, mẹ tôi mừng-rỡ, vội đem con đi gặp chồng. Bấy giờ, chị Luyến đã lớn, còn tôi và Tú chưa ra đời.
   Tôi không nhớ hết những gì đã xảy ra trong thời-gian này. Chỉ nhớ là có dì Tuyết ở cùng. Chị Luyến không thích dì. Chị hay tìm cách gây-sự. Riêng tôi và em Tú rất thích dì ấy. Bố tôi thường đưa dì đi hóng gió ở Đồ-Sơn. Dì Tuyết thương tôi và Tú nên luôn cho chúng tôi đi cùng. Em Tú không thích biển. Em chỉ muốn ở lại Hà-Nội xem ô-tô bay. Bố tôi và dì chiều em nên chương-trình thường phải thay đổi. Em ngồi trong lòng dì và vỗ tay cười tán-thưởng như người lớn. Tôi thấy dì sung-sướng. Dì ôm chặt Tú vào lòng và hôn lên tóc em. Nhiều lần tôi ghen với em và đòi được ngồi với dì nhưng bố tôi không cho phép.
   Mấy năm sau gia-đình chúng tôi dọn vào Hải-Phòng. Mẹ tôi bảo dì đi cùng nhưng dì không thể. Dì ôm mẹ tôi khóc. Khi xe chạy, dì cầm tay em Tú và chạy theo xe. Tôi nghe dì thét lên đau-đớn như đứt ruột gan khi xe gia-tăng tốc-độ và dì buộc phải buông tay em Tú ra. Mẹ và chị Luyến ứa nước mắt. Còn tôi và em Tú luôn miệng khóc.
   Ở Hải-Phòng mới được vài tháng thì bố tôi phải trốn vào Nam. Mẹ tôi nói bố tôi sẽ bị nguy-hiểm đến tính-mạng nếu không đi gấp. Mẹ tôi không thể về quê từ-giã bố mẹ. Bà mang mặc-cảm bất-hiếu. Từ đó cho đến khi qua đời, không phút nào mẹ tôi không mơ ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn của bà.
   Sau khi vào Nam, bố tôi đi lính. Ông bị thuyên-chuyển luôn. Mẹ tôi bảo bởi vì tính ông cương-trực. Ông không quỵ-lụy và chịu hợp-tác với ai để mưu-cầu lợi-ích riêng cho mình.
   Có lẽ Quảng-Ngãi là nơi bố tôi làm việc lâu nhất. Ông thuê một căn nhà ở trong phố, vừa an-ninh, vừa tiện cho việc học của chúng tôi, và cũng vừa có nơi để mẹ tôi mua bán cau khô. Chị Luyến lúc ấy đã trưởng-thành. Chị đưa chúng tôi đi thăm bố vào những ngày cuối tuần. Tôi nhớ giòng sông Trà-Khúc và những ngày bẻ măng, hái khế ở Mộ-Đức. Chúng tôi ăn cơm chung với những người dân ở đây. Những hạt cơm đỏ mà đến giờ tôi vẫn còn thấy ngon hơn những hạt cơm trắng tôi ăn thường ngày. Họ cho chúng tôi những lon mạch-nha thơm ngọt. Bố tôi bảo đem về làm quà biếu mẹ. Chị Luyến quấn mạch-nha vào đũa và quẹt lên bánh tráng. Mẹ con chúng tôi ngồi ăn với nhau. Tiếng bánh dòn tan như chuỗi cười vui-tươi của gia-đình.
   Bố tôi giải-ngũ trước ngày đảo-chánh. Ông đưa gia-đình vào Nha-Trang. Ở đây, bố tôi làm nghề biển nhưng bị thất-bại. Số vốn nhỏ-nhoi mẹ tôi dành-dụm được trong thời-gian buôn cau ở Quảng-Ngãi không mấy chốc mà hết. Mẹ tôi dẫn em Tú đi gặp những đồng-chí cũ của bố tôi để nhờ giúp-đỡ. Chẳng ai nhận ra mẹ tôi. Bà phải bán cái kiềng vàng, kỷ-vật duy-nhất ngoại tôi cho bà, để trang-trải nợ-nần. Tôi còn nhớ như chuyện vừa mới xảy ra. Mẹ tôi khóc. Tay bà run. Bố tôi phải giúp bà lấy đưa cho người hàng xóm. Lúc bà ta vừa ra khỏi nhà, mẹ tôi ngã xuống và ngất đi. Bố tôi ôm vợ vào lòng. Một vài giọt nước mắt nhọc-nhằn chảy xuống. Từ đó, mẹ tôi như ngây-dại mỗi lần trông thấy cái kiềng của mình trên cổ người đàn bà kia. Và cũng từ đó, mẹ tôi có thói quen mới là hay đưa tay lên sờ cổ mình.
   Để tránh phiền-muộn cho vợ, bố tôi đưa gia-đình về Vinh-Phú, một giáo-xứ ở Phan-Thiết. Ở đây, bố tôi vui vì được gần anh chị nhưng vô tình lại làm cho mẹ tôi buồn thêm. Bố tôi nói bên ngoại tôi nặng tình quê cha đất tổ nên không nỡ bỏ mồ-mả ông bà. Mẹ tôi không họ-hàng thân-thích. Bà cô-đơn và tủi-thân khóc những khi anh em bên chồng hội-họp với nhau. Mẹ tôi luôn đưa tay lên cổ như để tìm hơi-hướm ông bà ngoại tôi. Khi bố tôi kiếm được việc làm, ông sắm cho mẹ tôi cái kiềng khác. Mẹ tôi ứa nước mắt cám-ơn chồng. Dầu vậy, mẹ tôi vẫn tơ-vương cái kiềng cũ. Bố tôi biết ý. Ông hứa sau này sẽ ra Nha-Trang chuộc lại.
   Lương bố tôi không đủ nuôi gia-đình. Mẹ tôi phải mua mắm ở Thanh-Hải và đem vào Gia-Kiệm bán lại. Quốc-lộ 1 lúc bấy giờ không được an-ninh. Nhất là ở khoảng rừng Lá. Xe thường bị chận lại, hàng-hóa hay bị mất, đôi lần mẹ tôi bị đưa vào rừng đến mấy ngày sau mới về. Bố tôi lo cho vợ. Ông không muốn mẹ tôi đi buôn nhưng bà không chịu. Mẹ tôi bảo phải lo cho chúng tôi ăn học.
   Nhờ sự chịu-khó của bố mẹ mà gia-đình chúng tôi cũng không đến nỗi nào. Bố tôi nhớ lời hứa xưa nên đưa mẹ tôi ra Nha-Trang chuộc lại cái kiềng cũ. Mẹ tôi sung-sướng cười nói luôn miệng. Mắt bà long-lanh như những tia nắng nhảy múa theo làn gió dưới bóng cây trầm-duộc trước nhà. Nhưng niềm vui của mẹ tôi, như những tia nắng đó, chúng biến mất khi chiều vừa xuống. Mẹ tôi xỉu từ Nha-Trang xỉu về. Em Tú phải phụ bố tôi khiêng mẹ vào nhà. Mắt bố tôi đẫm lệ. Tôi biết rằng người hàng xóm năm xưa không còn ở đó nữa.
   Từ ngày bố tôi giải-ngũ, chúng tôi mới thật sự được học trọn khóa. Khi về Vinh-Phú, tôi thấy mình đã lớn, còn chị Luyến đã có chồng nên ngỏ ý muốn ở nhà phụ-giúp bố mẹ. Mẹ tôi không bằng lòng. Bà bảo muốn thấy tôi và em Tú được ăn học nên người. Chúng tôi thương mẹ nên cố-gắng. Khổ nỗi, vì mất căn-bản, em Tú và tôi không thể theo kịp bạn lớp. Hàng tháng, cứ đến ngày xướng danh những học sinh xuất-sắc trên loa phóng thanh của giáo-xứ, mẹ tôi dù bận thế nào cũng phải ở nhà cho bằng được. Bà lắng tai và chờ nghe tên con mình. Tội-nghiệp mẹ tôi, trong suốt thời-gian học, tên chúng tôi chưa từng được đọc trên loa phóng thanh lần nào. Bố tôi an-ủi vợ. Ông nói học giỏi là một điều tốt, nhưng chưa bằng làm một công-dân tốt. Và ông bảo chúng tôi hãy học làm những học-trò tốt để trở thành những công-dân tốt sau này. Chúng tôi luôn được nhất hạnh-kiểm. Mẹ tôi sung-sướng. Bà ôm chặt những gói phần thưởng của chúng tôi vào lòng. Tôi thấy màu xanh, đỏ, vàng của những tờ giấy bóng nhảy múa trong mắt mẹ tôi.
   Tú học chưa hết năm đệ tứ thì phải đi lính. Mẹ tôi không hỏi ý chồng, bà lén chạy-chọt cho Tú được miễn-dịch. Bố tôi hay chuyện. Ông la mẹ tôi. Ông không muốn em Tú trở thành người hèn và thiếu trách-nhiệm. Lần đầu tôi thấy ông giận-dữ. Và đây cũng là lần đầu tôi thấy mẹ tôi mất vẻ dịu-dàng hằng ngày của bà. Bấy giờ thì tôi hiểu vì sao ngày xưa bố tôi bị giam-cầm, vì sao ông phải khuất mình làm việc chung với những người đến cai-trị nước mình, và vì sao ông phải vội-vã chạy vào Nam. Tôi cũng được biết nguyên-do ông ngoại tôi bị chặt tay, tại sao bác Cả tôi bị xử bắn ở Thái-Nguyên, và cớ sao dì tôi nhục-nhã đến nỗi phải thắt cổ tự-vẫn... Mẹ tôi bảo vì bố tôi mà gia-đình bên ngoại bị liên-lụy. Và bà không muốn thấy một bất-hạnh nào đến với em Tú. Nhưng cuối cùng thì mẹ tôi cũng phải để Tú đi lính. Không phải vì bà nghe bố tôi nói về bổn-phận công-dân, mà vì đó là quyết-định của em. Mẹ tôi khóc thảm-thiết. Tôi nghĩ ngày bố tôi bỏ nhà đi làm cách-mạng, mẹ tôi cũng chỉ khóc được như thế này. Tôi phân-vân tự hỏi tại sao mẹ tôi thường ứa nước mắt thở dài mỗi lần thấy em Tú tôi ôm cây đàn đáy.
   Từ ngày Tú lên đường, mẹ tôi luôn lo-lắng. Mặc dầu lấy chồng và trở lại đạo Thiên-Chúa, bà vẫn không quên cầu xin Trời Phật che-chở em tôi. Tôi không nghĩ Chúa, Mẹ Maria, hay Phật đã nghe lời mẹ tôi. Nhưng tôi tin rằng, những lời bà xin đã trở thành một sức mạnh vô hình gìn-giữ con mình. Vì thế, sau nhiều năm ở chiến-trường, Tú luôn được bằng-an. Trong trận hạ Lào, nhiều đồng-đội của em bị chết, riêng em chỉ bị mất một chân và đôi bàn tay. Ngày vào quân-y viện thăm em, bố tôi ngậm-ngùi rơi lệ, còn mẹ tôi ôm em và khóc ngất.
   Không lâu sau ngày Tú trở về, người hôn-thê của em, cùng với bố mẹ cô ta, đem cái kiềng vàng đến trả và xin hủy cuộc hôn-ước. Mẹ tôi cầm lại cái kiềng vàng. Bà nhìn tôi như muốn nói điều gì đó. Cổ bà dường như nhỏ lại. Khó-khăn lắm mẹ tôi mới nuốt được cục nước miếng đang nghẹn trong họng. Tôi nhớ gương mặt rạng-rỡ của bà ngày đi hỏi vợ cho con. Khi đeo cái kiềng này vào cổ người con gái kia, có lẽ mẹ tôi đã nghĩ rằng vĩnh-viễn bà đã trói được cuộc đời cô ta vào cuộc đời em tôi. Tôi ôm mẹ và khóc. Tôi nhủ lòng mình rằng, dù mẹ tôi không đeo kiềng vào cổ tôi, tôi cũng sẽ tự trói buộc cuộc đời tôi với em. Vì thế, tôi đã từ-chối nhiều đám. Bố mẹ tôi sau này hiểu ý. Ông bà rất áy-náy vì nỗi tôi lớn tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng.
   Với hai bàn tay giả và cái chân gỗ, Tú không làm được gì. Bố tôi buồn-rầu sinh bệnh. Ông bỏ-bê công ăn việc làm. Mẹ tôi phải vất-vả ngược xuôi để nuôi gia-đình. Là gái, tôi chẳng giúp Tú được gì ngoài việc ăn uống. Mẹ tôi phải tắm-rửa và làm những việc khác. Thế mà bà không một lời thở-than. Được phút giây nào rảnh-rỗi trong ngày, mẹ tôi luôn ngồi nói chuyện với em. Bà đưa cây đàn đáy cho em gảy. Tiếng được, tiếng mất. Còn bà thì hát theo lối cô đầu. Một lối hát, mà theo chị Luyến kể lại, mẹ tôi rất ghét kể từ ngày dì Tuyết đến ở với gia-đình chúng tôi. Đôi lần tôi nghĩ, giá như em tôi chết trận, thì đỡ đau-đớn cho mẹ tôi chừng nào. Bà không giấu được những giọt nước mắt đang chảy âm-thầm trong lòng bà.
   Năm 1975, anh Bảo, chồng chị Luyến, thu-xếp cho em Tú, mẹ, và tôi qua được bên này. Riêng anh không nỡ bỏ lính mà chạy. Chị Luyến thương chồng ở lại. Bố tôi thương chị nên cũng không đi. Ông chúc bình-an cho chúng tôi và hứa sẽ gặp lại bên này cùng với vợ chồng chị Luyến. Nhưng bố tôi không thực-hiện được lời hứa ấy. Chồng chị Luyến mất. Và bố tôi cũng thế. Thật mỉa-mai thay, ông mất ở một nơi mà ngày xưa chị Luyến theo mẹ đến tìm tung-tích bố chúng tôi, nhưng giờ thì chính chị đến đó để đưa xác bố chúng tôi về.
   Vừa qua bên này, mẹ tôi liền giục tôi viết thơ về nhờ bố tôi liên-lạc với bên ngoại. Ngày nhận được thư chồng, mẹ tôi mừng lắm, vội bảo tôi đọc. Bố tôi cho biết người con bác Hai đã vào Nam tìm mẹ tôi. Anh nói chỉ trừ ông bà, vì tuổi già đã mất, còn ai nấy đều khỏe mạnh và mong sớm có ngày gặp được mẹ tôi. Nghe thế, mẹ tôi khóc òa lên. Hơn lúc nào hết, giấc mơ trở về quê cũ bừng sống mãnh-liệt trong lòng bà. Mẹ tôi luôn cầu xin hai nước sớm bang-giao để bà có thể về lại. Sau này, khi có dịp nói chuyện với anh họ qua điện-thoại, tôi mới hay bố tôi giấu vợ. Thật ra, ông bà ngoại tôi chết vì một mẩu ruộng mà vị vua nào đó đã ban cho tổ-tiên chúng tôi làm hương-hỏa khi đem dân đi khai-hoang, còn bác Hai tôi uất mà qua đời. Cũng trong dịp này, tôi được biết anh họ tôi và em Tú đã gặp nhau ở trận hạ Lào. Tôi nhớ em nói trước khi ngất đi có thấy một người rất giống mẹ đến nhìn mặt em. Anh họ tôi cũng thuật lại tương-tự như vậy. Không có gì là chắc nhưng tôi tin đó là sự thật.
   Mẹ tôi và em Tú đều sống nhờ vào trợ-xấp xã-hội. Em được lắp đôi bàn tay máy và có một chiếc xe lăn tự-động. Nhờ thế, rất đỡ cho mẹ và tôi. Mẹ tôi dành-dụm mua vải, quần áo, thuốc men gởi về cho chị Luyến. Chị bán đi để lấy tiền tiếp-tế cho chồng và bố.
   Không hiểu có phải vì buồn mà những cái nhọt trong miệng mẹ tôi biến thành ung-thư? Chúng phát rất nhanh. Ăn lên đầu và lan xuống cổ. Một bên má mẹ tôi bị thủng. Máu và mủ rỉ ra. Hôi-thối không tưởng được. Em Tú lúc nào cũng bên cạnh mẹ. Nhìn em dùng đôi bàn tay máy băng-bó cho mẹ, tôi không thể cầm được nước mắt. Mẹ tôi không còn biết gì nữa. Bà mơ-màng vì morphine. Mẹ tôi gọi bà ngoại tôi, kêu ông ngoại tôi. Bà nói chuyện với các anh, các chị. Thỉnh-thoảng bà lại mỉm cười. Lâu lắm, tôi không thấy mẹ tôi vui. Và tôi không muốn mẹ tôi tỉnh dậy nữa để khỏi đau-đớn vì bệnh, khỏi buồn vì tấm thân tàn-phế của em Tú. Đôi tay của em hẳn đã làm cho mẹ tôi nhớ đến ông ngoại tôi mỗi ngày.
   Mẹ tôi bệnh khoảng hai năm thì mất. Tôi nghĩ tôi sẽ không sống được khi không có mẹ. Nhưng khi mẹ tôi qua đời, sao lòng tôi thản-nhiên lạ thường.
   Giờ thì chỉ còn lại hai chị em tôi. Tôi thương Tú lắm. Tôi muốn trói buộc đời tôi với đời em mãi mãi nhưng số mệnh không cho. Tôi sắp phải bỏ Tú mà đi. Bệnh tôi ngày một nặng. Miệng tôi lở-loét và đau-đớn vô cùng. Không hiểu sao ngày xưa mẹ tôi có thể chịu-đựng được những sự đau-đớn này. Bà không hề la hét. Quá lắm, mẹ tôi chỉ khẽ rên và gọi mẹ ơi mà thôi. Lát nữa Tú vào, tôi muốn dặn em hãy cố-gắng trở về Nông-Cống, thực-hiện giấc mơ cuối của mẹ tôi trước khi bà mất, là tậu cho mấy đứa cháu của bà một vài con trâu, con nghé. Nhưng làm sao em Tú có thể về được...."
   
   Tôi bỏ thêm morphine vào bọc nước biển (IV) cho bà Dung rồi đi ra ngoài. Khoảng nửa giờ sau, tôi thấy ông Tú ngồi trên xe lăn vào. Mắt ông đẫm lệ. Tôi giúp ông mở cửa phòng. Ông lại giường bà Dung rồi gục mặt vào ngực chị mình và khóc như trẻ nít. Tôi thấy bà Dung nằm im, tay ôm chặt cái kiềng vàng. Cái đèn đỏ trên đầu giường chợt sáng, chuông reng, và tiếng đọc kinh bắt đầu vang lên trong bệnh-viện.  Tôi loáng-thoáng nghe ông Tú nói với chị là ông sẽ về.

Ngục Thu Yên

Đi Thăm Mẹ

Đi Thăm Mẹ

Mejt

    Vào những dịp lễ tôi thường bán hoa ở ngã tư đường. Hôm qua là Ngày Của Mẹ, gió lạnh và mưa lất-phất nên ít người dừng xe để mua. Tuy-nhiên, cũng nhờ vậy mà tôi có dịp để ý đến hai em nhỏ. Chúng đến vào buổi sáng nhưng chỉ nhìn vào thùng hoa rồi bỏ đi. Xế trưa cũng vậy. Tôi đoán chúng muốn mua hoa nhưng không đủ khả-năng dầu tôi đã hạ giá hoa sau mỗi giờ. Khoảng gần 4 giờ chiều, chúng lại đến. Lần này, chúng lễ-phép chào. Đứa con trai ngập-ngừng nói:
  - Chị bán cho em bó hồng này nhưng chúng em chỉ có 12 đồng. Vậy chị cứ lấy bớt hoa lại.
    Tôi đùa:
  - Có phải em mua hoa để tặng cô bạn gái này?
    Đứa con trai lắc đầu:
  - Thưa chị, không! Đây là em gái em. Chúng em mua hoa để tặng cho mẹ. Chúng em giúp bỏ bao ở siêu-thị từ sáng đến giờ nhưng cũng chỉ được có ngần này.
    Tôi đưa bó hồng cho đứa con gái và bảo:
- Chị xin-lỗi về câu nói đùa vừa rồi. Hãy cho chị được tặng phần hoa còn lại cho mẹ chúng em.

    Hai đứa trẻ mừng-rỡ cám-ơn và phóng qua con lộ. Tiếng còi hú inh-ỏi xen lẫn tiếng thắng kêu ken-két trên mặt đường. Tôi chỉ kịp thốt lên hai tiếng Lạy Chúa rồi chạy theo. Cũng may không việc gì nguy-hiểm xảy ra. Con bé chỉ bị trầy chút xíu và đau chân. Nó đưa bó hoa cho anh và bảo:
  - Em không sao. Anh mau đem hoa vào cho mẹ kẻo không kịp nữa. Đã đến giờ đóng cửa nghĩa-trang rồi.

    Thì ra chúng nó đi bỏ bao ở siêu-thị để có tiền mua hoa tặng người mẹ đã qua đời. Mẹ tôi cũng đã qua đời, cũng nằm ở một nghĩa-trang cách đây 3 tiếng đồng hồ lái xe nhưng hình-như tôi đã quên khuấy mất Người.

    Tôi lấy thêm cho chúng một bó hồng và dìu đứa con gái lại cổng nghĩa-trang. Người giữ cổng tốt bụng vui-vẻ chờ cho chúng thăm mẹ. Hai đứa trẻ cám-ơn tôi nhưng tôi bảo:
  - Không. Chị phải cám-ơn hai em mới đúng.

    Chúng tròn xoe mắt ngạc-nhiên. Làm sao chúng có thể hiểu được nhờ chúng mà bây giờ tôi đang đi thăm mẹ mình, dù là Ngày Của Mẹ đã qua.
 
Mejt

Thầy Ơi, Con Đây

Thầy Ơi, Con Đây

 Mejt

    Đang ngồi uống nước mía và chuyện-trò với chúng bạn ở một cửa tiệm đầu làng thì có một cụ già đi ngang qua. Cụ dừng lại và hỏi:
 - Có Việt-kiều về thăm nhà nữa, à?
   Rồi nhìn tôi, giọng cụ mừng-rỡ:
 - Ủa, con M. hả?
   Trong khi tôi còn ngạc-nhiên vì chưa nhận ra ai thì mấy đứa bạn đã đứng lên chào cụ và nói:
 - Thầy T. đó.
   Thầy già quá, tôi nhận không ra. Thầy có thể quên và không nhận ra trò nhưng trò không thể quên và không nhận ra thầy. Quá mắc-cỡ, tôi chối:
 - Thưa... Cụ, không phải, ạ.
   Thầy nhìn vào mặt tôi như để nhận diện một lần nữa rồi bỏ đi:
 - Có lẽ không phải thật. Con M. ngày xưa đâu biết nói dối.
   40 năm rồi thầy vẫn còn nhớ đến cái tính-tình của tôi thưở đó. Tôi òa khóc và chạy theo thầy:
 - Thầy ơi! M. đây... Con đây...

Mejt

Ba Năm Mất Mẹ

   Chiều nay bưng bát canh bầu,
Mẹ ơi nhớ mẹ lòng đau quá trời.
   Ba năm con mất mẹ rồi...
Mẹ ơi nhớ mẹ rối bời ruột đau.

Dã-Tràng Biển Đông

Không Còn Là Mình

Không Còn Là Mình 

Mist

   Sau một cơn bạo bệnh anh không còn khả-năng đi làm. Chị thay chồng lo phần tài-chánh cho gia-đình. Vốn chịu khó và có khiếu về thẩm-mỹ, chị thành-công dễ-dàng trong ngành làm móng.

    Từ ngày đi làm, chị vẫn dịu-dàng với chồng nhưng giọng nói dường như lớn hơn. Anh bắt đầu im-lặng.

    Anh không nhớ rõ khi nào mình đã thôi còn tỏ vẻ khó chịu mỗi lần nghe vợ kể chuyện: Những chuyện không đáng tin-cậy nghe được ở cửa tiệm hay trên điện-thoại, thiếu thiện-ý của người kể, và không làm anh tốt hơn.

    Hôm nay làm thuế cho chị anh đã khai bớt đi một số lợi-tức lớn mà chị đã kiếm được. Lúc vào phòng tắm, anh chợt nhận thấy mặt mình trong gương không còn là của mình ngày xưa.

Mist

Hai Cái Sẹo

Hai Cái Sẹo

Ngục Thu Yên

   Dượng nằm mê-man. Mẹ khẽ kéo tấm drape đắp lại cho ông. Tôi chợt thấy cái sẹo dài bên hông trái. Ngày nhỏ, tôi vẫn thường sờ nó mỗi lần ông mình trần ngồi vá lưới trước sân. Sau này, khi lớn lên, tôi được làng-xóm cho biết ông và bố tôi đâm chém nhau đến thủng ruột vì mẹ. Tôi đã thù-ghét không còn sờ vào cái sẹo ấy, và cũng thôi gọi ông là bố từ đó đến giờ.

   Tôi không có em. Ngoài những lúc cần phải chăm-sóc cho nhau, dượng và mẹ luôn giữ một khoảng cách xa giữa hai người.

   Sau 75, bỏ quê-hương qua bên này, cái gì cũng lạ. Quá-khứ gia-đình không ai biết, và sự dễ-dàng trong đời sống ở đây đã làm tôi vơi đi sự thù-ghét dượng, cũng như giúp tăng thêm lòng kính mẹ. Ngày mẹ tôi chia một trái thận của bà cho tôi, tôi mới thấy được sự chăm-sóc, lo-lắng, và thương-yêu của hai người. Dẫu vậy, tôi vẫn không thể nào thương dượng, một người đã đâm chết bố tôi và lấy mẹ tôi làm vợ. Sau khi tốt-nghiệp đại-học, tôi đã nhận việc làm thật xa nhà để khỏi phải nhìn thấy dượng và mẹ mỗi ngày.

   Hôm qua, mẹ tôi nhắn tin bảo phải về gấp vì sợ dượng không qua khỏi. Bà đón tôi ở cửa bệnh-viện và năn-nỉ tôi gọi dượng một tiếng bố. Bà bảo dù ông không có công sanh cũng có công dưỡng. Tôi cương-quyết:
 - Thưa mẹ, con có thể bỏ qua những lỗi-lầm của mẹ và dượng. Nhưng con chỉ có một bố. Con xin-lỗi mẹ, con không thể.

   Dượng mất. Mẹ tôi để ảnh thờ trong nhà. Tôi không bằng-lòng nhưng không cản. Một người đã chết, sao tôi còn thù-ghét?

   Hôm nay là ngày giỗ đầu của mẹ, cũng là năm thứ mười dượng ra đi. Tôi nhìn ảnh mẹ và dượng mà hối-hận. Trong thư để lại, mẹ tôi viết:  "... Thận bố con bị hư và dượng đã cho bố con thận trái của người. Vì kỹ-thuật y-học lúc đó chưa tân-tiến, hay vì số-mạng mà bố con không qua khỏi. Trước khi nhắm mắt, bố gởi-gấm mẹ và con cho dượng. Dù dượng không hứa nhưng ông đã luôn-luôn chăm-sóc mẹ con mình. Dượng biết bố con hiểu lầm dượng.  Người dượng thương-yêu không phải là mẹ mà là cô bạn học thích làm việc từ-thiện. Bà hiện là nữ tu và đang hiến đời mình ở trại cùi ở.... Mẹ sắp đi rồi... Những gì mẹ viết đây là sự thật. Mẹ mong con tin mẹ. Mẹ chẳng có gì để lại cho con. Mẹ chỉ mong con có được một cái tâm vô sai biệt..."

   Tôi nhớ đến cái sẹo của dượng. Tôi thấy mình cũng có một cái sẹo. Khác chăng là một cái ở ngoài da và một cái ở trong lòng, một cái đẹp và một cái không.

   Tôi nhìn ảnh dượng và thầm gọi:
 - Bố...

Ngục Thu Yên

Dã-Tràng Biển Đông

Dã-Tràng Biển Đông    

  Phải ta là kiếp dã-tràng
Biển Đông xe cát mấy ngàn năm qua?
     Cổ thành rêu phủ tường hoa
Bài kinh chép dở, nhạt-nhòa gió sương.

Dã-Tràng Biển Đông